Mới đây, tại Hà Nội, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị giám sát, làm việc với các Bộ, ngành liên quan về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của mình, đại diện các Bộ, ngành đã trao đổi, làm rõ những mặt đạt được, những hạn chế, tồn tại, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, trong công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương để đóng góp hoàn chỉnh Báo cáo Giám sát. Ý kiến chung của các Bộ, ngành đều nhấn mạnh tới sự cần thiết tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm thông qua chế tài chặt chẽ, nghiêm minh, công bằng.
Theo Bộ Xây dựng: Hiện nay, nhờ có quy hoạch khoáng sản làm vật liệu và khoáng sản làm nguyên liệu xi măng được phê duyệt nên việc cấp phép bám sát nhu cầu sử dụng, nâng cao hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản. Việc quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng kịp thời đã góp phần làm giảm đáng kể tình trạng cấp phép khai thác khoáng sản trái phép; tạo hành lang pháp lý đưa hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân tuân theo quy hoạch, kế hoạch.
Tuy nhiên, do các quy định của pháp luật về khoáng sản trước đây về điều kiện tổ chức, cá nhân được phép tham gia hoạt động khoáng sản; điều kiện cấp phép thăm dò, khai thác chưa chặt chẽ, nhiều tổ chức, cá nhân hạn chế về kinh nghiệm, vốn đầu tư, năng lực kỹ thuật, công nghệ vẫn được tham gia, dẫn tới tình trạng tài nguyên khoáng sản khai thác, sử dụng chưa tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả chưa cao. Vẫn còn tình trạng Giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản do địa phương cấp chưa tuân thủ quy định pháp luật về khoáng sản; cấp giấy phép khi chưa có kết quả thăm dò; chia nhỏ khu vực khoáng sản để cấp phép; chưa ràng buộc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong bảo đảm an toàn lao động, bảo vệ môi trường… Theo Bộ Xây dựng: Cần có quy định chặt chẽ điều kiện cấp phép khai thác nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ khai thác hiện đại, cơ sở chế biến đồng bộ cũng như thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ đối với hoạt động của mình. Bên cạnh đó, kịp thời và kiên quyết xử lý, đình chỉ các đơn vị vi phạm pháp luật về khoáng sản, pháp luật về môi trường và pháp luật khác có liên quan.
Đề xuất các giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích cụ thể với sản phẩm chế biến sâu, có hàm lượng quặng được nâng cao nhiều so với quặng thô ban đầu, có giá trị gia tăng và đóng góp nhiều cho ngân sách Nhà nước. Mặt khác, xây dựng đội ngũ thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác, quản lý khoáng sản; hoàn thiện hệ thống cơ quan thanh tra chuyên ngành khoáng sản. Việc điều chỉnh phân công quản lý Nhà nước về khoáng sản theo nguyên tắc một việc chỉ phân công cho một cơ quan chủ trì thực hiện. Đây là nội dung mới, quan trọng và cần thiết hiện nay về quản lý Nhà nước về khoáng sản. Trong quy định hướng dẫn Luật Khoáng sản cần lồng ghép được mô hình quản lý Nhà nước về khoáng sản từ Trung ương đến địa phương, nâng cao vị thế, năng lực và trách nhiệm.
Liên quan đến quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông phục vụ hoạt động quản lý khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác và vận chuyển khoáng sản, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị cần quan tâm phát triển mạng lưới giao thông đường bộ, thủy nội địa và hàng hải phù hợp với các quy hoạch chiến lược phát triển khoáng sản trong phạm vi cả nước; bố trí vốn cho các công trình giao thông phục vụ khoáng sản. Các quy định của pháp luật cần được hoàn thiện theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vốn, thiết bị, công nghệ trong khai thác chế biến khoáng sản; quy định cụ thể hơn trách nhiệm bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác. Theo Bộ Giao thông vận tải: Cần kiên quyết đóng cửa những cơ sở chế biến, khai thác khoáng sản lạc hậu, thủ công manh mún, gây ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh công tác quản lý khai thác khoáng sản tại các địa phương, trong đó lưu ý việc khai thác cát, đá, sỏi trên các tuyến đường thủy nội địa…
Đại diện Bộ Tài chính cũng đã làm rõ tình hình thực hiện chính sách thuế, phí về tài nguyên, khoáng sản; lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, lệ phí độc quyền thăm dò khoáng sản; chính sách thuế tài nguyên; chính sách phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; tình hình xuất khẩu khoáng sản; vốn ngân sách cho thăm dò, điều tra về khoáng sản. Bộ Tài chính nhấn mạnh: Các chính sách đều phải hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường; kiện toàn hệ thống chính sách, pháp luật đồng bộ, minh bạch, hạn chế khai thác các loại tài nguyên không tái tạo. Cơ quan thuế, cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý khai thác khoáng sản nhằm thực hiện tốt mục tiêu đi đôi với bảo vệ môi trường và quản lý, thu phí, lệ phí đảm bảo công bằng. Cần quy định nghĩa vụ khắc phục hậu quả do ô nhiễm môi trường đồng thời quy định chế tài xử lý nghiêm minh các trường hợp khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường.
Từ góc độ chuyên môn, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất: Các hoạt động điều tra địa chất khoáng sản, địa chất môi trường và tai biến địa chất cần được triển khai thực hiện theo đúng quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt; gắn liền với triển khai ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học và công nghệ mới. Đồng thời, củng cố, xây dựng, nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của các tổ chức trong lĩnh vực này.